Bạn đang muốn nhập khẩu đồ chơi trẻ em từ nước ngoài về Việt Nam nhưng chưa biết quy trình, thủ tục ra sao? Thuế nhập khẩu đồ chơi thế nào? Cần lưu ý gì khi nhập khẩu đồ chơi? Nếu vẫn còn đang phân vân về những vấn đề trên thì hãy tham khảo ngay quy trình, thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ em chi tiết được chúng tôi chia sẻ dưới đây.
Điều kiện nhập khẩu đồ chơi trẻ em
Theo Điều 9 Thông tư 28/2014TT-BVHTTDL có Quy định về quản lý hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch như sau:
“ Điều 9. Đồ chơi trẻ em
- Phải đảm bảo mới 100%; chưa qua sử dụng.
- Đảm bảo chất lượng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em theo quy định tại Thông tư số 09/2019/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em – QCVN 3:2019/BKHCN.
- Có nội dung, hình thức, kiểu dáng, tính năng sử dụng không có hại đến giáo dục, phát triển nhân cách, không gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, không vi phạm các quy định tại Điều 6 của Thông tư này.”
Căn cứ vào điểu 4.3, 4.4 khoản 4 Thông tư 09/2019/TT-BKHCN về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em. Cụ thể:
“4.3 Đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN (sau đây viết tắt là Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN)”
“4.4 Công bố hợp quy
4.4.1 Việc công bố hợp quy đồ chơi trẻ em phải dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP , Nghị định số 154/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành hoặc được thừa nhận theo quy định của Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN Hướng dẫn việc ký kết và thực hiện các Hiệp định và thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp.
4.4.2 Chứng nhận hợp quy
- a) Đối với đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước:
– Chứng nhận hợp quy theo Phương thức 5 “Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất” tại cơ sở sản xuất đồ chơi trẻ em.
Hoặc:
– Chứng nhận hợp quy theo Phương thức 7 “Thử nghiệm mẫu đại diện, đánh giá sự phù hợp của lô sản phẩm, hàng hóa tại cơ sở sản xuất đồ chơi trẻ em trong trường hợp cơ sở sản xuất không thể áp dụng các yêu cầu đảm bảo chất lượng theo Phương thức 5.
- b) Đối với đồ chơi trẻ em nhập khẩu:
– Chứng nhận hợp quy theo Phương thức 7 “Thử nghiệm mẫu đại diện, đánh giá sự phù hợp của lô sản phẩm, hàng hóa đối với từng lô đồ chơi trẻ em nhập khẩu trong trường hợp lô đồ chơi trẻ em chưa được chứng nhận hợp quy theo Phương thức 5 quy định tại quy chuẩn kỹ thuật này.
Hoặc:
– Chứng nhận hợp quy theo Phương thức 5 tại cơ sở sản xuất ở nước ngoài khi có yêu cầu từ phía cơ sở sản xuất nước ngoài theo quy định tại điểm a) mục 4.4.2.”
Do đó, để nhập khẩu đồ chơi trẻ em thì bạn cần đảm bảo các điều kiện nêu trên.
Quy định dán nhãn đồ chơi trẻ em nhập khẩu
Nội dung nhãn mác cho đồ chơi
Việc gắn nhãn lên hàng hóa nhập khẩu không phải quy định mới, nhưng kể từ Nghị định 128/2020/NĐ-CP được ban hành, quá trình này đã được quản lý và giám sát chặt chẽ hơn. Việc gắn nhãn trên hàng hóa nhằm mục đích hỗ trợ các cơ quan quản lý theo dõi hàng hóa, xác định nguồn gốc xuất xứ và đơn vị chịu trách nhiệm về chúng. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với quy trình nhập khẩu đồ chơi trẻ em.
Nội dung nhãn mác dán trên đồ chơi rất quan trọng, được quy định rõ trong Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Với mặt hàng đồ chơi trẻ em thì nội dung nhãn mác sẽ gồm:
- Thông tin của người nhà xuất khẩu (địa chỉ, tên công ty);
- Thông tin của người nhập khẩu (địa chỉ, tên công ty);
- Tên hàng hóa và thông tin hàng hóa;
- Xuất xứ hàng hóa.
Đây là những thông tin cơ bản cần có trên nhãn mác hàng hóa, được thể hiện bằng tiếng anh hoặc các tiếng khác thì cần có dịch thuật.
Vị trí dán nhãn trên hàng hóa
Việc gắn nhãn lên hàng hóa cần đúng vị trí để đảm bảo hiệu quả cao. Trong quá trình nhập khẩu, nhãn hàng hóa phải được dán trên các bề mặt như thùng carton, kiện gỗ hoặc bao bì sản phẩm và có thể ở bất kỳ vị trí nào thuận tiện cho kiểm tra và dễ nhìn. Việc đặt nhãn đúng vị trí không chỉ giúp tiết kiệm thời gian kiểm hóa khi thực hiện thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ em mà còn đảm bảo tính chính xác cao.
Đối với hàng hóa được phân phối trên thị trường, việc gắn nhãn càng trở nên quan trọng hơn. Thông tin trên nhãn dán có thể bao gồm nhà sản xuất, định lượng sản phẩm, các thông số kỹ thuật, ngày tháng sản xuất và các cảnh báo cần thiết. Điều này không chỉ nâng cao sự minh bạch về nguồn gốc và chất lượng của hàng hóa mà còn đáp ứng nhu cầu thông tin chi tiết của người tiêu dùng.
Những rủi ro gặp phải khi không dán nhãn
Nếu hàng hóa không được dán nhãn hoặc nội dung nhãn bị sai khi nhập khẩu, đơn vị nhập khẩu có thể gặp phải nhiều rắc rối như:
- Mất quyền hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, do chứng nhận xuất xứ sẽ bị từ chối.
- Bị áp đặt mức phạt theo quy định, với mức phạt được quy định tại Điều 22 của Nghị định 128/2020/NĐ-CP.
- Tăng nguy cơ mất mát hoặc hư hại hàng hóa, do thiếu thông tin trên nhãn trong quá trình xếp dỡ và vận chuyển.
Hồ sơ thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ em
Theo quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015; sửa đổi bổ sung 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 thì bộ hồ sơ nhập khẩu đồ chơi trẻ em bao gồm các giấy tờ sau:
- Tờ khai hải quan;
- Vận đơn đường biển;
- Hóa đơn thương mại (commercial invoice);
- Danh sách đóng gói (packing list);
- Hợp đồng thương mại (sale contract);
- Chứng nhận xuất xứ (℅) nếu có;
- Chứng nhận hợp chuẩn hợp quy (tùy thuộc vào loại đồ chơi);
- Catalogs.
Xác định mã HS đồ chơi trẻ em
Việc xác định mã HS là bước quan trọng nhất trong quá trình thực hiện thủ tục nhập khẩu cho mọi loại hàng hóa. Việc này không chỉ giúp xác định các mức thuế nhập khẩu và thuế GTGT mà còn quyết định chính sách nhập khẩu áp dụng. Để xác định chính xác mã HS cho đồ chơi trẻ em, Quý vị cần hiểu rõ về các đặc điểm cụ thể của sản phẩm, bao gồm chất liệu, thành phần và các đặc tính kỹ thuật đặc trưng. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng quá trình nhập khẩu diễn ra thuận lợi và giảm thiểu rủi ro liên quan đến thuế và chính sách nhập khẩu.
Dưới đây là tổng hợp các mã HS đồ chơi trẻ em bạn có thể tham khảo:
Mã hs | Sản phẩm |
95030010 | Xe đạp ba bánh, xe đẩy, xe có bàn đạp và đồ chơi tương tự có bánh; xe của búp bê. |
95030021 | Búp bê, có hoặc không có trang phục. |
95030030 | Xe điện, kể cả đường ray, đèn hiệu và các phụ kiện khác của chúng. |
95030040 | Các mô hình thu nhỏ theo tỷ lệ (“scale”) và các mô hình giải trí tương tự, có hoặc không vận hành. |
95030050 | Đồ chơi và bộ đồ chơi xây dựng khác, bằng mọi loại vật liệu trừ plastic. |
95030060 | Đồ chơi hình con vật hoặc sinh vật không phải hình người. |
95030070 | Các loại đồ chơi đố trí (puzzles). |
95030091 | Đồ chơi, xếp khối hoặc cắt rời hình chữ số, chữ cái hoặc hình con vật; bộ xếp chữ; bộ đồ chơi tạo chữ và tập nói; bộ đồ chơi in hình; bộ đồ chơi đếm (abaci); máy may đồ chơi; máy chữ đồ chơi. |
95030092 | Dây nhảy. |
95030093 | Hòn bi. |
95030094 | Các đồ chơi khác bằng cao su. |
95030099 | Đồ chơi trẻ em loại khác. |
Việc xác định sai mã HS có thể dẫn tới nhiều rắc rối như:
- Làm chậm thủ tục hải quan do cần thêm thời gian để kiểm tra, xác định thông tin chính xác về loại hàng hóa.
- Các cơ quan hải quan có thể đặt ra nhiều yêu cầu chỉnh sửa, làm rõ thông tin khi nhập khẩu. Điều này dẫn tới tình trạng giao hàng chậm, ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
- Chịu phạt do sai mã HS theo Nghị định 128/2020/NĐ-CP
- Nếu cần phát sinh thuế nhập khẩu thì tối thiểu là 2.000.000đ, cao nhất là gấp 3 lần số thuế.
Do đó, việc xác định đúng mã HS khi nhập khẩu hàng hóa là điều rất quan trọng, cần các đơn vị doanh nghiệp phải đặc biệt chú ý.
Kiểm tra chất lượng đồ chơi trẻ em nhập khẩu
Khi nhập khẩu đồ chơi trẻ em, việc kiểm tra chất lượng đóng vai trò quan trọng và không thể bỏ qua. Quy trình kiểm tra chất lượng gồm các bước sau đây:
- Bước 1: Tạo tài khoản và đăng ký hồ sơ: Quá trình đăng ký kiểm tra chất lượng chủ yếu diễn ra trên cổng thông tin một cửa quốc gia. Do đó, bạn cần tạo tài khoản trên cổng thông tin một cửa quốc gia. Sau khi có tài khoản, bạn sẽ tạo hồ sơ đăng ký trên cổng thông tin một cửa với cơ quan quản lý chính là Chi cục Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng quản lý doanh nghiệp. Với mặt hàng đồ chơi trẻ em, bạn cần chọn đơn vị kiểm tra chất lượng được cấp phép là Bộ Khoa Học và Công Nghệ. Sau khi có tờ khai hải quan, bạn có thể bắt đầu thủ tục đăng ký kiểm tra chất lượng.
- Bước 2: Lấy mẫu và tiến hành kiểm tra mẫu: Sau khi hồ sơ được khai báo, Chi cục Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng sẽ duyệt hồ sơ. Bạn có thể liên hệ với hải quan để tiếp tục thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ em. Sau đó, liên hệ với trung tâm kiểm tra chất lượng để lấy mẫu, có thể tại cảng hoặc kho để đảm bảo mẫu là đại diện chính xác cho lô hàng.
- Bước 3: Nhận kết quả và bổ sung hồ sơ (nếu cần): Sau khi hoàn thành quá trình kiểm tra, người đăng ký sẽ nhận được kết quả kiểm tra chất lượng. Bạn có thể tải chứng thư kết quả lên hồ sơ đăng ký. Thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ em sẽ tiếp tục thông quan sau khi kết thúc quá trình kiểm tra chất lượng.
Quy trình làm thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ em
Quy trình làm thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ em sẽ gồm các bước sau:
- Bước 1: Khai báo hải quan nhập khẩu: Tờ khai hải quan cho đồ chơi trẻ em sẽ được điền thông qua phần mềm khai hải quan. Thông tin trên tờ khai hải quan dựa trên các chứng từ đã được mô tả trước đó. Mã HS của đồ chơi trẻ em sẽ được sử dụng để khai thuế và làm cơ sở cho quá trình kiểm tra chất lượng.
- Bước 2: Đăng ký kiểm tra chất lượng: Đồ chơi trẻ em được quản lý bởi Bộ Khoa Học và Công Nghệ, với những sản phẩm có tính giáo dục, việc kiểm tra văn hóa là bắt buộc. Mỗi doanh nghiệp cần tạo một tài khoản trên hệ thống một cửa quốc gia để đăng ký kiểm tra chất lượng nhập khẩu. Để khai báo hồ sơ kiểm tra chất lượng thì cần có kiến thức chuyên sâu.
- Bước 3: Mở tờ khai hải quan: Bước này cần mang toàn bộ hồ sơ nhập khẩu đến Chi cục Hải quan để nộp. Nếu không có vấn đề nào sau khi kiểm tra của cán bộ hải quan, tờ khai sẽ được chấp nhận. Đơn vị nhập khẩu sẽ thanh toán thuế nhập khẩu và thuế GTGT. Việc nộp thuế vào kho bạc sẽ tự động thông quan tờ khai.
- Bước 4: Vận chuyển về kho bảo quản: Sau khi tờ khai nhập khẩu được thông quan, hàng hóa có thể được chuyển về kho. Quá trình kiểm tra chất lượng đồ chơi trẻ em sẽ được thực hiện bởi đơn vị chuyên nghiệp. Khi kết quả kiểm tra đạt chuẩn, thông tin sẽ được cập nhật lên hệ thống một cửa để hoàn thành hồ sơ nhập khẩu đồ chơi trẻ em.
Thuế nhập khẩu đồ chơi trẻ em
Nộp thuế là nghĩa vụ và trách nhiệm với nhà nước. Thuế nhập khẩu chia thành hai loại chính là thuế nhập khẩu và thuế GTGT nhập khẩu. Đối với đồ chơi trẻ em, mức thuế GTGT nhập khẩu được quy định là 5%, theo điều 8 của Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12. Để hưởng lợi từ mức thuế GTGT 5%, việc kiểm tra chất lượng là điều bắt buộc.
Quy trình tính thuế khi thực hiện thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ em như sau:
- Thuế nhập khẩu được xác định bằng công thức:
Thuế nhập khẩu = Trị giá CIF x % thuế suất
- Thuế GTGT nhập khẩu được tính theo công thức:
Thuế giá trị gia tăng = (Trị giá CIF + Thuế nhập khẩu) x % thuế suất GTGT
Từ các công thức trên, có thể nhận thấy rằng mức thuế nhập khẩu đồ chơi trẻ em phụ thuộc vào tỷ lệ thuế suất theo mã HS. Để đảm bảo mức thuế suất thấp nhất và chính xác nhất, việc xác định mã HS đúng cho loại đồ chơi nhập khẩu là rất quan trọng. Đồng thời, sự có hay không chứng nhận xuất xứ trong lô hàng cũng ảnh hưởng đến khả năng hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Những lưu ý khi làm thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ em
Khi thực hiện thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ em, bạn cần chú ý đến những điểm sau:
- Phân loại mã HS cần tuân theo đặc tính và loại hình của từng loại đồ chơi.
- Đặc biệt lưu ý đối với đồ chơi trẻ em được quy định tại 09/2019/TT-BKHCN, yêu cầu kiểm tra chuyên ngành.
- Mức thuế giá trị gia tăng nhập khẩu đối với đồ chơi trẻ em là 5%.
- Với đồ chơi là xe, cần phân biệt vào chiều cao yên xe để xác định liệu có cần kiểm tra chất lượng đồ chơi trẻ em hay không.
- Đồ chơi vận động tại nhà trẻ không được coi là đồ chơi mang tính giáo dục.
- Nếu đồ chơi là hàng mẫu, có thể xin miễn kiểm tra chất lượng.
Yến Linh Toys – Đơn vị phân phối đồ chơi trẻ em giá tốt toàn quốc
Có thể thấy, quy trình và thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ em cần rất nhiều bước. Nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian, công sức tối ưu thì có thể chọn mua đồ chơi trẻ em tại Yến Linh Toys. Đây là đơn vị chuyên cung cấp và phân phối các loại đồ chơi trẻ em giá rẻ, chất lượng và uy tín hàng đầu hiện nay.
Tại Yến Linh Toys, quý khách có thể tham khảo và lựa chọn đa dạng mẫu đồ chơi khác nhau với hơn 3000 mẫu luôn có sẵn tại kho. Các sản phẩm đồ chơi nhập khẩu luôn có đầy đủ chứng từ, hóa đơn, đảm bảo chất lượng và an toàn cho trẻ. Đặc biệt sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại giúp khách hàng có thể lựa chọn thoải mái. Chúng tôi sẽ báo giá chi tiết cho quý khách, hỗ trợ giao hàng tận nơi theo yêu cầu, đảm bảo khách hàng hài lòng nhất.
Ngoài ra, khách hàng mua sỉ số lượng lớn sẽ được ưu đãi về giá, cam kết mức giá tốt nhất toàn thị trường. Vì thế, nếu cần tư vấn và giải đáp thắc mắc kỹ hơn, quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với Yến Linh Toys qua hotline 0903.75.70.75 để được hỗ trợ tốt nhất.
Trên đây là những thông tin chi tiết về quy trình, thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ em. Hy vọng thông tin trong bài sẽ hữu ích và giúp bạn có thêm kinh nghiệm khi làm thủ tục.